Cho và nhận

Để tạo lập sự cân bằng, con người cần phải biết cho và nhận. Nhưng cho và nhận như thế nào lại cũng là việc rất đáng bàn.

Sau khi tạo dựng được một khối lượng tài sản khổng lồ cho cá nhân trong suốt cuộc đời làm việc, ông Bill Gates tặng lại cho quỹ từ thiện 60 tỷ đô la, còn ông Warren Buffett tuyên bố sẽ hiến dâng đến 90% tài sản cho các chương trình không vụ lợi. Tôi nghĩ cách hành xử này đã đem lại một ảnh hưởng vô cùng lớn lao trên khắp thế giới, hiệu quả hơn cả ngàn tỷ đô la mà Chính phủ Mỹ đã bỏ ra để bảo vệ những quyền lợi mơ hồ tại Afghanistan và Iraq.

Hai ông Gates và Buffett đã thay đổi hẳn tư duy của nhiều thế hệ về hình ảnh xấu xí của các nhà tài phiệt. Họ và rất nhiều tỷ phú khác của Mỹ như: Turner, Soros, Cooperman… đã định vị lại giá trị cốt lõi của một siêu cường kinh tế. Trong khi đó, khi qua Trung Quốc vào năm 2010 để kêu gọi các tỷ phú nước này đóng góp thêm cho xã hội, hai ông đã thất bại và chỉ nhận được "cam kết" khoảng 100 triệu đô la. Điều đáng nói là sau đó phần lớn các cam kết này đã "cuốn theo chiều gió" và đi vào quên lãng, kiểu như một số "đại gia" Việt Nam thể hiện tên tuổi qua các cuộc đấu giá từ thiện. Lịch sử đã cho thấy, con người luôn bị giằng co bởi hai chữ "cho" và "nhận". Kinh thánh Cơ Đốc, triết lý và văn hóa Âu - Mỹ luôn ca tụng người cho. Triết lý nhà Phật lấy đức từ bi làm căn nguyên, còn kinh Koran của Hồi giáo cấm chuyện thu lãi suất khi cho vay nợ. Trong khi đó, lòng tham và nhu cầu sinh tồn luôn buộc một người bình thường phải tranh đấu để "nhận" càng nhiều càng tốt, không những cho mình mà còn cho cả dòng họ, con cháu. Câu nói "người thắng cuộc là người có nhiều đồ chơi nhất khi chết" thoạt nghe khá khôi hài, nhưng chứa đựng một thực tại rất đúng với đại đa số nhân loại. 

Với tôi, lời của cha luôn nằm trong tâm trí: "Con muốn giúp người nghèo thì đừng bao giờ làm một người nghèo". Nếu mình không "nhận", không tích tụ, thì lấy gì để cho? Muốn giúp người về tri thức phải thu nhận để có kiến thức; muốn giúp người đau yếu, bản thân mình phải mạnh khỏe. Ngay cả khi "cho" là một mục tiêu của cuộc đời, mình vẫn phải đối diện với nhiều mâu thuẫn nội tại, vì ai cũng hiểu rằng, khi lao vào thương trường, doanh nhân gần như phải làm việc 24 tiếng mỗi ngày (khi ngủ cũng mơ đến công việc) và phải vượt qua bao áp lực, từ tài chính, sản phẩm, nhân viên bên trong, đến khách hàng, đối thủ, thay đổi bên ngoài. Thì giờ và sức lực nào còn lại để "cho"?

Bill Gates đã từng là người giàu nhất thế giới nhiều năm trước khi "cho". Khi được hỏi về tài sản kếch xù của mình và sự mời gọi của các chương trình từ thiện, ông thường vắn tắt là: ông quá bận để nghĩ đến chuyện này. Giới truyền thông ào ạt chỉ trích ông với những lời lẽ dành cho bọn trọc phú keo kiệt. Mãi đến năm 2000, khi ông hoàn tất kế hoạch "cho", ông mới tuyên bố chỉ giữ lại cho con cái và gia đình vài chục triệu đô la, đủ có một đời sống thoải mái. Tất cả tài sản còn lại ông sẽ trao tặng hết cho các quỹ từ thiện. Ông giải thích việc "cho" cũng phức tạp và khó khăn không kém việc kiếm tiền.

Trong lĩnh vực từ thiện, không thiếu những đại gia giả dối dùng hoạt động từ thiện để đánh bóng thành tích và tên tuổi của mình một cách trâng tráo. Mặt khác, cũng không thiếu kẻ sẵn sàng lợi dụng người nghèo khổ để ăn cắp tiền từ thiện. Với nhiều nhân vật khác, "cho" là một hình thức sám hối cho những "tội lỗi" mà họ đã gây ra trong quá khứ khi tạo dựng tài sản. Những cái "cho" này có thể rất thực, tự đáy trái tim buồn bã của họ, nhưng nhiều vị lại "cho" chỉ vì cần một vé tàu lên thiên đường, tránh những lời "hăm dọa" của các vị sư sãi hay cha xứ.

Nhưng nói chung, vì thói quen quản lý hiệu quả số tiền kinh doanh, phần lớn đại gia khi cho đều muốn tiền mình tặng phải đem lại một kết quả tương xứng. Do đó, sự ngần ngại khi cho xuất phát từ tâm trạng không muốn bị mất một cách vô lối số tiền mình đã khổ nhọc gây dựng. Ký một chi phiếu thì rất dễ, nhưng quản lý chặt chẽ số tiền trao tặng đòi hỏi thời gian và công sức. Vì vậy, tôi rất cảm thông và chia sẻ với những đại gia Việt Nam đang gánh chịu những điều tiếng về việc "cho". Trong khi các triệu phú Âu - Mỹ đã ổn định nhiều năm về mặt tài chính, những người mới phất lên ở Việt Nam vẫn phải vất vả giải quyết chuyện làm ăn hàng ngày. Giống như trường hợp Bill Gates, xin đừng trách hay thắc mắc về sự rộng rãi và lòng nhân ái của họ. Khi sẵn sàng, họ sẽ làm chúng ta ngạc nhiên với số tiền mà họ "cho". Chúng có thể gây ấn tượng hơn cả những chân dài và máy bay riêng hay siêu xe mà họ đang "nhận".

Một đại gia Mỹ có nói: "We work to make a living. We give to make a life". Hiểu theo nghĩa bóng, chúng ta phải "nhận" để tồn tại, nhưng chúng ta phải "cho" để tạo dựng một cuộc sống có nhiều ý nghĩa hơn cho mình.

(Sưu tầm)

1 nhận xét:

  1. When you land on this image, your reel stays put for a number 카지노사이트.online of} spins. They’re usually hard to accumulate, however you need solely to match two icons to win if you do. All video games may be tailor-made to your model and needs.Furthermore, you could have} entry to our back-office system, which offers a wide range|a variety} of choices and statistics. The Privacy Policy additionally sets out the methods in which we may use your private data. To read this in full, click on on the Privacy Policy button discovered in this window.

    Trả lờiXóa

Copyright © 2012 Trần Thanh Long | Quản lý dự án | Quản lý bệnh viện | Y tế công cộng | Nghiên cứu | Đào tạo.