7 Thói quen để thành đạt (7 Habits of Highly Effective People) - Stephen R. Covey


Mình xin trân trọng giới thiệu với cả nhà cuốn sách “7 thói quen để thành đạt (The 7 Habits of Highly  Effective People)” của tác giả Stephen R. Covey.  Mình có thói quen đọc sách để giải quyết một vấn đề nhất định của công việc nhưng chưa bao giờ đọc hết một quyển nào cả. Đây là cuốn sách đầu tiên mà mình đọc hết tất cả các mục và tất cả các trang (471 trang) :d Khi đọc lướt qua lời nói đầu, mục lục và tiểu sử tác giả, mình nhận thấy đây cũng là quyển sách đáng để đọc và ngẫm nghĩ. Đọc xong, mình thấy trở thành người hiệu quả cũng không phải là đơn giản chút nào nếu mọi thứ ta làm đều là cảm tính, không tuân theo những nguyên tắc đúng đắn. Dường như, mình cũng có những thói quen này nhưng mức độ đạt được còn thực sự khiêm tốn và tự nhận thấy phải tiếp tục rèn luyện bản thân không ngừng để các thói quen này thực sự đi vào cuộc sống ở mức độ cao hơn.


Đầu tiên, mình tóm tắt qua đôi điều hấp dẫn về cuốn sách này và về tác giả. Với hơn 20 triệu bản phát hành, được dịch ra hơn 40 thứ tiếng trên khắp thế giới và được bình chọn là một trong 10 cuốn sách về quản trị có giá trị nhất từ trước tới nay. TS. Stephen R. Covey là một nhà giáo dục, một chuyên gia tư vấn về quản lý con người và là bậc thầy về rèn luyện tính cách, khả năng lãnh đạo và các vấn đề tâm lý cuộc sống. Ông tốt nghiệp MBA tại ĐH Havard và Tiến sỹ về hành vi học tại ĐH Bringham Young. Ông nhận được 7 bằng tiến sỹ danh dự của các trường đại học danh tiếng và được tạp chí Time công nhận là một trong 2 người Mỹ có ảnh hưởng nhất thế kỷ 20. Ông là sáng lập viên và là Phó chủ tịch của Cty FranklinCovey có văn phòng tại 123 nước. Cty chuyên cung cấp dịch vụ đào tạo, nâng cao hiệu quả làm việc, các công cụ nâng cao năng suất lao động và đánh giá tổ chức, tập thể và cá nhân.

Vậy 7 thói quen chúng ta cần rèn luyện ở đây là gì để tạo nên sự thành công? Chúng bao gồm: (i) Luôn chủ động, (ii) Bắt đầu từ mục tiêu đã được xác định, (iii) Ưu tiên cho điều quan trọng nhất, (iv)Tư duy cùng thắng, (v) Lắng nghe và thấu hiểu, (vi) Đồng tâm hiệp lực và (vii) Rèn giũa bản than. 3 thói quen đầu là các thói quen của thành tích cá nhân – sẽ làm tăng sự tự tin một cách đáng kể, giúp hiểu bản thân hơn với những ý nghĩa sâu xa về bản chất, giá trị và năng lực cống hiến. 3 thói quen tiếp theo nói về thành tích tập thể, giúp hàn gắn và xây dựng lại các mối quan hệ quan trọng đã bị xói mòn hay sắp bị phá vỡ, còn các mối quan hệ tốt đẹp sẽ sâu sắc, vững chắc hơn và sáng tạo hơn. Theo một cách nghĩ khác, 3 thói quen đầu là “hứa và giữ lời hứa” và 3 thói quen sau là “khuyến khích người khác cùng tham gia và cùng nhau tìm ra giải pháp tối ưu”. Thói quen thứ 7 sẽ đem lại sức sống mới cho 6 thói quen đầu tiên và giúp bạn thực sự trở thành người độc lập và có được hiệu quả trong các mối quan hệ tương hỗ.

Cảm nhận đầu tiên của mình khi đọc những trang đầu của quyển sách này là như đang đọc TRIẾT HỌC. Dường như tác giả đã gửi gắm những tư tưởng triết học hay những phát hiện của ông mang tính quy luật tự nhiên khách quan của tự nhiên khi vận dụng 7 thói quen đó. Và cảm giác đó bắt đầu khi đọc đến mục “Ảnh hưởng của mô thức”. Thuật ngữ “Mô thức” có xuất xứ  từ tiếng Hy Lạp và được hiểu ở đây là mô hình, lý thuyết, nhận thức, giả thuyết hay khung tham chiếu. “Mô thức” là cách chúng ta “nhìn” thế giới bằng nhận thức, sử dụng hiểu biết và theo cách lý giải của riêng chúng ta. Mô thức là nguồn gốc của thái độ và hành vi. Vì vậy việc thay đổi thái độ và hành vi bên ngoài sẽ không mấy hiệu quả nếu không xem xét lại các mô thức cơ bản hình thành thái độ và hành vi của chúng ta và tất nhiên, việc thay đổi được mô thức không đơn giản vì nó diễn ra rất chậm chạp và đầy khó khăn. Vì vậy, chúng ta chỉ đạt được thành công lớn lao khi thay đổi những mô thức cơ bản của chính chúng ta. Còn Khái niệm Triết học mà chúng ta đã từng học là “Triết học là một hệ thống tri thức lý luận chung nhất của con người về thế giới, về bản thân con người và vị trí của con người trong thế giới đó”.  Triết học còn có vai trò thế giới quan và phương pháp luận trong đời sống xã hội. Trong đó, thế giới quan là toàn bộ những quan điểm, quan niệm của con người về thế giới xung quanh, về bản thân con người, về cuộc sống và vị trí của con người trong thế giới đó. Phương pháp luận là lý luận về phương pháp, là hệ thống các quan điểm, các nguyên tắc chỉ đạo con người tìm tòi, xây dựng, lựa chọn và vận dụng các phương pháp trong nhận thức và trong thực tiễn. Trong triết học, phương pháp luận và thế giới quan không tách rời nhau. Khi so sánh một số khái niệm trên, chúng ta có thể cảm nhận được phần nào tính triết học của cuốn sách này. Hay nói cách khác, những điều tác giả đề cập là cội nguồn của những nguyên tắc đúng đắn – là những quy luật tự nhiên. Chúng ta sẽ cùng tìm hiểu sâu hơn về những thói quen này để hiểu rõ hơn tư tưởng của những thói quen này – lấy nguyên tắc làm trọng tâm và lấy tính cách con người làm nền tảng nhằm mang lại sự thành đạt của cá nhân và sự thành công trong mối quan hệ giữa con người với nhau.

Để giúp người đọc dễ hiểu những nguyên tắc được trình bày trong cuốn sách, tác giả đã phân tích rất chi tiết ý nghĩa và bản chất của những thói quen với những ví dụ thực tế trong cuộc sống và công việc cũng như tình huống minh họa sinh động. Đọc đến đâu, mình đều cố gắng liên hệ những thói quen mà tác giả nêu ra với chính những thói quen của mình trong cuộc sống. Có vẻ như mình mới đạt được những thói quen tác giả tổng kết ở mức độ nửa vời. Ví dụ như “tính luôn chủ động”, nhiều khi mình cực kỳ chủ động trong công việc nhưng đôi khi mọi thứ lại rất ì ạch và bị động đối phó với nhiệm vụ được giao vì động cơ làm việc lúc đó xuống quá thấp hoặc đôi khi mình bị cảm xúc chi phối ảnh hưởng lớn đến chất lượng công việc. Chỉ khi deadline đến thì mô tơ trong mình bắt đầu quay tít. Về “mục tiêu và ưu tiên cho điều quan trọng nhất”, do bị “bệnh nghề nghiệp” nên mọi thứ mình làm đều bắt đầu từ mục tiêu và đặt ưu tiên. Nghề của mình liên quan đến nghiên cứu/điều tra/khảo sát và xây dựng/quản lý dự án trong lĩnh vực y tế nên mọi thứ đều phải xuất phát từ mục tiêu tức là làm điều đó để đạt được gì. Tuy nhiên, lắm lúc mình cũng lạc lối vì quên đi “giá trị cốt lõi” hay “vai trò” của bản thân trong cuộc sống này là gì hoặc đặt ưu tiên này thì lại dành thời gian làm việc khác vô bổ vì không cưỡng lại được những “cám dỗ” trong cuộc sống. Về “tư duy cùng thắng”, cơ bản mình có tư duy này vì cho rằng đa phần mối quan hệ của chúng ta sẽ trở lên tương thuộc khi chúng ta có sự độc lập. Nhưng đôi khi mình cũng rất hiếu thắng trong “đàm phán”. Về “lắng nghe và thấu hiểu”, lắm lúc mình cũng hay lắng nghe nhưng chẳng thấu hiểu và “suy bụng ta ra bụng người” hoặc thậm chí chẳng thèm lắng nghe, nói gì đến thấu hiểu. Kỹ năng này chắc phải được “bồi bổ” thêm. Về “đồng tâm hiệp lực”, quan điểm của mình là thiếu nó thì khó mà thành đại sự vì mọi người đều có sự khác biệt về suy nghĩ và năng lực. Ai cũng có điểm mạnh và điểm yếu riêng, quan trọng là chúng ta cần kết nối được điểm mạnh của nhau để hạn chế những điểm yếu. Nghĩ như vậy là một chuyện nhưng thời gian mới kiểm nghiệm được nói và làm có đi đôi với nhau hay không. Về “rèn giũa bản thân”, quả là không đơn giản tý nào khi ta cần rèn luyện để giúp các thói quen trên trở nên ngày càng hoàn thiện ở mức độ cao hơn. Thói quen này giúp ta xây dựng năng lực cá nhân được cải thiện không ngừng. Đó là một vài sự liên hệ nhỏ trong vô vàn hạn chế của chính bản thân mình. Để hiểu rõ hơn các thói quen này và cách rèn luyện, mời các bạn đọc chi tiết những phân tích của tác giả trong cuốn sách này. Mình hy vọng các bạn sẽ tìm được nhiều điều bổ ích và lý thú trong cuốn sách này.

 Chốt lại cảm nhận về cuốn sách này của mình là phải chăng triết học là một môn học đáng để nghiên cứu một cách nghiêm túc khi còn ngồi trên ghế nhà trường? Liệu nó có quá khó đối với sinh viên còn chưa có nhiều kinh nghiệm và trải nghiệm cuộc sống? Liệu chăng mình nên lôi sách triết học ra để nghiên cứu lại và ngẫm nghĩ về nó bằng cách gắn nó vào những gì mình đã trải qua sau khi rời ghế nhà trường để đối mặt với thực tế của cuộc sống “cơm áo gạo tiền”? Về cuốn sách này, một vài câu hỏi nữa đặt ra về tính ứng dụng của cuốn sách là “liệu bạn có tin 7 thói quen là những nguyên tắc đúng đắn và sẽ có kế hoạch rèn luyện chúng không và cuốn sách liệu có làm thay đổi cuộc sống của bạn không”?
(Ngày 5/2/2012)

0 nhận xét:

Copyright © 2012 Trần Thanh Long | Quản lý dự án | Quản lý bệnh viện | Y tế công cộng | Nghiên cứu | Đào tạo.